Du lịch Việt Nam “ấm” dần sau đại dịch Covid, rục rịch trở lại đường băng

Đã gần 2 năm qua, ngành du lịch “lao đao” bởi vì đại dịch Covid. Mặc dù dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, nhưng ngành du lịch được coi là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng mới đây nhất, ngay trong đầu năm 2022, chúng ta đang được chứng kiến những tín hiệu tích  cực cho thấy du lịch Việt Nam đang ấm dần lên sau đại dịch Covid, đặc biệt là dịp tết Nguyên Đán vừa qua.

Khách quốc tế khởi sắc, du lịch nội địa ấm dần lên

Từ khoảng giữa tháng 11/2021, du khách quốc tế đã dần trở lại sau khi Việt Nam mở cửa đón khách. Theo báo cáo kết quả triển khai hoạt động thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1 (từ giữa tháng 11/2021 cho đến hết tháng 12/2021) cho thấy một số địa điểm du lịch như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Hạ Long (Quảng Ninh) và TP Đà Nẵng chỉ trong nửa tháng thực hiện thí điểm (nửa cuối tháng 11/2021), ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 1.000 khách quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Lữ Hành (Tổng cục du lịch) Nguyễn Quý Phương chia sẻ, ngày 25 đến 26/12 Phú Quốc đón gần 1.000 du khách Nga, Uzbekistan. Trong 2 tháng cuối năm 2021, tỉnh Khánh Hoà đón hơn 3.800 lượt du khách đến từ Hàn Quốc, Nga; tỉnh Quảng Nam đón gần 250 du khách Nga, Thuỵ Điển, Mỹ, Hà Lan. Đặc biệt Tết Dương Lịch năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đón đoàn khách du lịch quốc tế Nhật, Nga “xông đất” khu du lịch Ba Bể trong năm 2022.

Việc thí điểm cho hoạt động thu hút du khách quốc tế tới du lịch tại Việt Nam sau dịch Covid đã phần nào giúp địa phương đánh giá lại năng lực tổ chức, đồng thời rút kinh nghiệm từ đó mở rộng hơn quy mô đón khách. Khách du lịch quốc tế quay trở lại không chỉ thúc đẩy việc khởi động các dịch vụ, mà còn góp phần làm cho thị trường du lịch khởi sắc hơn.

Du lịch Việt Nam “ấm” dần lên sau dịch Covid 19

Thực tế cho thấy không chỉ có khách du lịch quốc tế khởi sắc mà ngay trong những ngày đầu năm 2022 thị trường du lịch nội địa cũng đã ấm dần lên. Trong ngày đầu năm mới 2022, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tấp nập du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong dịp nghỉ Tết Dương Lịch 2022, Thành phố Đà Lạt đón hơn 60.000 du khách nội địa tăng gấp đôi so với những ngày cuối tháng trước dịch Covid-19. Tượng tự, 3 ngày tết Dương Lịch, Sapa (tỉnh Lào Cai) cũng đã đón gần 18.000 lượt khách, doanh thu đạt 46 tỷ đồng, tăng trên 7,8 tỷ đồng so với dịp nghỉ lễ Noel 2021.

Mặc dù lượng khách chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng đây là tín hiệu vui cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành du lịch Sa Pa và Lào Cai sau 1 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp. TP Hà Nội trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 (từ ngày 1 – 3/1/2022) cũng đã đón 60.000 lượt du khách.

“Khách vui một, chủ nhà vui mười” bởi giá trị du lịch đem lại

Đã gần 2 năm qua không được đi đâu chơi do dịch Covid-19 nên khi đi du lịch lần này, nhiều du khách chia sẻ rằng họ cảm thấy rất háo hức.Khách vui một, chủ nhà phấn khởi mười. Bởi giá trị của nó không chỉ nằm ở nguồn lợi vật chất có được từ việc bán dịch vụ cho đoàn khách mà còn nhiều lợi ích vô hình khác to lớn hơn.

Trước hết là tính hiệu tích cực về sự hồi sinh của ngành du lịch và các công ty lữ hành Việt Nam sau dịch Covid. Đầu năm nay, trước Phú Quốc còn có Quảng Nam cũng đón đoàn khách Mỹ sang du lịch. Hiện, theo Tổng cục Du lịch, rất nhiều đoàn du khách quốc tế khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã đăng ký, đang chờ sang Việt Nam. Như vậy, chúng ta càng vững tin Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách năm châu.

Giá trị lớn khác là, Việt Nam gửi đến bạn bè quốc tế một thông điệp quan trọng về sự an toàn. Giữa bối cảnh các châu lục và khu vực trên thế giới còn căng mình chống lại Covid-19, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng chung cảnh ngộ. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam tự tin kiểm soát được và việc nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại hầu hết hoạt động, dịch vụ tại những địa phương từng là điểm nóng Covid-19 cho thấy chúng ta là điểm đến an toàn. Điều này cực kỳ quan trọng cho giai đoạn tiếp theo vì tiếng lành đồn xa, những đoàn khách trước hài lòng và yên tâm sẽ “kéo theo” nhiều đoàn khách khác.

>> Đọc thêm: Khám phá những ví dụ tuyệt vời về công trình kiến trúc xanh trên khắp thế giới

Hàng không bứt tốc, dồn dập mở cửa bầu trời

3 ngày trước Tết Nhâm Dần, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến các địa bàn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và mở rộng địa bàn áp dụng giai đoạn thí điểm tới châu Âu, Úc.

Hàng loạt rào cản được tháo gỡ trước thềm Tết Nguyên đán đã mở đường cho những chuyến bay quốc tế đua nhau về Việt Nam. Trước đó, Vietnam Airlines thực hiện 2 chuyến bay đầu tiên chính thức nối lại các đường bay thường lệ giữa châu Âu và Việt Nam sau gần 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19.

Chuyến bay chở 190 hành khách từ Frankfurt (Đức) và gần 300 hành khách hành trình London – Paris đã lần lượt hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) sáng 26.1. Sau 2 hành trình này, Vietnam Airlines đã khôi phục hoạt động vận tải hành khách thường lệ tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới sau đại dịch.

du lịch Việt Nam sau Covid
Hàng không bứt tốc, du lịch cũng bắt đầu trở mình sau kỳ “ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử. 

Bamboo Airways cũng chính thức công bố đường bay thẳng Việt Nam – Đức và ra mắt tổng đại lý tại thị trường Đức, sau khi tăng cường nhiều đường bay thường lệ đi châu Á, châu Âu, Úc. Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thường lệ khứ hồi kết nối Hà Nội – Frankfurt từ ngày 25.2, với tần suất ban đầu 2 chuyến khứ hồi/tuần.

Không nằm ngoài đường đua, Hãng hàng không Vietjet khôi phục thêm đường bay kết nối TP.HCM với Bangkok (Thái Lan) từ 21.1. Các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Hà Nội/TP.HCM – Tokyo, Đài Bắc, Seoul và Singapore đã được hãng này khai thác ngay từ 1.1. Đại diện Vietjet dự kiến giai đoạn tiếp theo sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế đã khai thác trước đây và mở thêm các đường bay xa hơn đến Ấn Độ, Nga…

Trong nước, thị trường nội địa cũng nóng lên từng ngày. Giai đoạn cận tết, lượng khách mua vé máy bay tăng cao trên tất cả nhóm hành trình, đặc biệt là khi Bộ GTVT bỏ quy định xét nghiệm và kiểm soát tiêm chủng vắc xin Covid-19 đối với hành khách. Sau khi hàng loạt chuyến bay dồn dập mở cửa, hàng không sẽ tăng tốc, du lịch cũng bắt đầu trở mình sau kỳ “ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử.

>> Đọc thêm: Phân khúc bất động sản Branded Residences tại Việt Nam có gì khác biệt?

5/5 - (1 bình chọn)
   

Cùng chuyên mục

   
096.775.8686