Du lịch Hòa Bình tất tần tật kinh nghiệm đi mùa nào, chơi đâu, đặc sản gì

Hòa Bình ngày càng trở thành điểm đến du lịch được yêu thích không chỉ bởi địa hình đồi núi sông hồ, khí hậu trong lành thích hợp cho các hoạt động cắm trại, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe mà còn là nơi có nền văn hóa giao thoa giữa 6 dân tộc độc đáo cùng các mùa lễ hội diễn ra quanh năm vô cùng hấp dẫn. Để có chuyến đi du lịch Hòa Bình thú vị, những kinh nghiệm ăn gì, vui chơi ở đâu, di chuyển thế nào.. được cập nhật mới nhất dưới đây sẽ vô cùng hữu ích cho du khách.

Hướng dẫn di chuyển tới Hòa Bình

Hòa Bình nằm cách Hà Nội khoảng 80-140 km tùy điểm du lịch và là cửa ngõ vùng Tây Bắc vì vậy di chuyển rất thuận tiện.

Xe limousine Hà Nội Hòa Bình

Xe limousine có giá từ 220.000 đồng một chiều là một lựa chọn phù hợp cho du khách muốn riêng tư, thoải mái. Một số nhà xe gợi ý là Mạng Kiên, Xuân Tráng, Anh Dũng có điểm trả ở khu nghỉ dưỡng trong Mai Châu.

Xe khách Hà Nội Hòa Bình

Xe khách Hà Nội – Hòa Bình di chuyển bằng xe khách thì có thể ra bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Yên Nghĩa, có rất nhiều xe chạy tuyến Hà Nội đi Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu hàng ngày và ngược lại. Giá một chiều vào khoảng 80.000 đồng.

Di chuyển bằng ô tô tự lái

Ngoài ra nếu có xe ô tô du khách có thể tự lái theo cung đường sau:

  •  Từ cầu Trung Hòa đi theo đường cao tốc Láng Hòa Lạc( đại lộ Thăng Long) lên Láng Hòa Lạc, rẽ trái đi Xuân Mai và rẽ phải đi Hòa Bình.
  • Từ Ngã Tư Sở đi Hà Đông – chạy thẳng Xuân Mai – Lương Sơn – Hòa Bình. Khoảng cách từ Hà Nội đi Xuân Mai là 30km, và Xuân Mai đi Hòa Bình thêm 30km nữa.
  • Tuyến đường thứ 3: Tuyến đường ngắn nhất: Xuất phát từ nội thành Hà Nội, sau đó di chuyển theo Tôn Đức Thắng và Nguyễn Trãi đến Trần Phú/QL6 tại Trung Văn. Được 6,5km bạn phải di chuyển dọc theo QL6 đi thẳng được gần 60km bạn đến Cù Chính Lan tại Đồng Tiến, Tp Hòa Bình.

Từ thành phố Hòa Bình, đi thêm 60km nữa là đến thị trấn Mai Châu và khu du lịch Bản Lác. Từ Mai Châu đi lên Mộc Châu thì đi lên khoảng 60km.

Du lịch Hòa Bình mùa nào đẹp

Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Hòa Bình có mức nhiệt trung bình trên 23 °C và có đầy đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa cảnh vật đều thay đổi mang nét đẹp riêng cùng những hoạt động du lịch thú vị.

Tháng 2 – đầu tháng 5

Đây là thời điểm bắt đầu mùa xuân tiết trời ấm áp hơn. Với địa hình chủ yếu đồi núi, mùa xuân khiến cả vùng đất trời Hòa Bình chuyển sắc tràn đầy sức sống mơn mởn của chồi non. Đến Hòa Bình mùa xuân, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp Thung Nai được mệnh danh vịnh Hạ Long để vãn cảnh, đi chùa đầu năm. Hay hòa mình vào không khí nhộn nhịp chợ nổi Thác Bờ những ngày đầu năm.

Tháng 5 – 8

Đây là thời điểm của mùa hè của màu vàng ươm của lúa chín. Đến Hòa Bình thời điểm này sẽ níu chân du khách bởi vựa lúa vàng ở Mai Châu đầy mê hoặc. Còn nếu muốn tránh cái nắng mùa hè, du khách di chuyển đến thác Thăng Thiên nơi có 4 thác nước đẹp xen kẽ những con suối chảy róc rách, được bao phủ bởi rừng già xanh mát. Tháng 5-8 là mùa mà nước sông Đà ở Thung Nai trong xanh.

Tháng 8 – 10

Nhắc đến Hòa Bình không thể thiếu du lịch Mai Châu và mùa hè kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 chính là thời điểm đẹp nhất để du khách đến Mai châu. Khí hậu mát mẻ, ít mưa và đặc biệt đây cũng là mùa lúa chín thứ hai trong năm, cơ hội cho du khách bỏ lỡ mùa lúa chín đầu tiên được chiêm ngưỡng cánh đồng lúa vàng rực.

Tháng 11 – 12

Khi tiết trời chuyển lạnh, cả Hòa Bình sẽ đổi sắc và được phủ bởi hoa ban rừng, hoa mận hé mở màu trắng muốt. Du lịch Hòa Bình mùa đông, du khách nên đến Khe Thung để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng hoa ban trắng vừa thơ mộng vừa hùng vỹ.

Các điểm đến danh lam thắng cảnh khi đi du lịch Hòa Bình

Thung lũng Mai châu

Mai Châu sở hữu cảnh sắc tuyệt đẹp vô cùng quyến rũ với núi non trùng điệp uốn mình quanh co bên thung lũng, màn sương phủ giăng giăng sáng sớm và màu xanh bát ngát của cây rừng, từ đồng ruộng.. Tất cả đem đến cảm giác thư thái, trong lành hiếm có dành cho du khách đặt chân đến. Đến Mai Châu, điểm tham quan đầu tiên du khách nên ghé thăm đó là đèo Thung Khe hay đèo Đá trắng nằm trên cung đi giữa Mai châu và Mộc châu thuộc QL06. Đây là cung đường tuyệt đẹp để chiêm ngưỡng Mai Châu xanh tươi, bình yên từ trên cao thoáng đãng và toàn cảnh nhất.

Bản Lác, Mai Châu Hòa Bình mùa lúa chín vàng ươm đầy thơ mộng

Ngay tại Mai Châu còn có địa danh nổi tiếng đó là Bản Lác nằm ẩn mình trong thung lũng. Trải qua lịch sử hơn 700 năm, Bản Lác trở thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái trắng. Một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Nơi đây còn có những ngôi nhà sàn mộc mạc nhưng vững chãi mở tầm view ra cánh đồng lúa trải dài bất tận rất đáng trải nghiệm.

Thác Gò Lào (thác Gò Mu)

Thác Gò Lào cao 20m vào mùa nước lớn, thác đổ những dòng trắng xóa vô cùng hùng vỹ. Bên cạnh đó còn có những ghềnh đá lâu năm tạo cảnh quan tự nhiên độc đáo dưới chân thác mang đến bầu không khí trong lành, mát rượi. Đứng từ trên cao du khách còn được ngắm nhìn những ngôi nhà nhỏ dưới chân núi của dân tộc Mường, hồ Ba Khan thơ mông và cả khu rừng trúc..

Thác Gò Lào hùng vỹ

Ngoài ra đến Mai Châu du khách có thể ghé thăm các điểm đến vịnh Ngòi Hoa, Ao Tiên, Đền Bà Chúa Thác Bờ. Bến thuyền nằm ở cuối bản Suối Lốn. Tất cả đều rất thú vị và gần nhau dễ di chuyển.

Lũng Vân

Nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển, Lũng Vân thuộc huyện Tân Lạc được mệnh danh nóc nhà của xứ Mường. Không những thế, Lũng Vân Hòa Bình quanh năm mây bao phủ vì vậy được biết đến là thung lũng mây đồng thời cũng thu hút các tín đồ săn mây đến vào thời điểm đẹp nhất khoảng tháng 2 đến tháng 4.

Lũng Vân nóc nhà xứ Mường quanh năm mây vờn ngọn núi

Lũng Vân mùa nào cũng đẹp, mùa xuân trời đất vẫn còn tràn ngập sắc xuân, vạn vật khoác lên mình tấm áo mới xanh mát, tươi mới hơn. Hoặc nếu đến vào mùa hè đúng thời điểm lúa chín vàng Lũng Vân cũng không hề thua kém những thửa ruộng bậc thang nào trên dải đất Việt Nam.

Dân tộc sinh sống ở Lũng Vân chủ yếu là người Mường vì vậy nơi đây cũng lưu giữ nhiều nét văn hóa, kiến trúc của người Mường rất riêng để khám phá.

Thung Nai

Trực thuộc huyện Cao Phong, Thung Nai chính là hồ chứa nước khổng lồ được bao quanh bởi những ngọn núi cao tựa hòn đảo nhấp nhô vì vậy Thung Nai được ví như Hạ Long thu nhỏ.

Thung Nai Hòa Bình một điểm đến lý tưởng đê thưởng thức cảnh đẹp non sông trùng điệp

Thời điểm đẹp nhất để tận hưởng vẻ đẹp của Thung Nai là từ tháng 5 đến tháng 8, lúc này không khí trong lành, mát mẻ đặc biệt phù hợp cho hoạt động cắm trại bên hồ, thư giãn, lặng ngắm phong cảnh, thưởng ngoạn ngắm trăng trên lòng hồ sông Đà ánh trăng sáng rực rỡ phản chiếu xuống mặt hồ. Ngoài ra du khách có thể thăm được động Thác Bờ, đền Thác Bờ nếu đi vào mùa nước cạn.

Đền Bà Chúa Thác Bờ

Đền Bà Chúa Thác Bờ nằm ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Đền thờ có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu) là điểm đến tâm linh của du khách mọi miền. Đền Thác Bờ toạ lạc ở vị trí trên cao tựa lưng vào ngọn núi đá Sầm Lông sừng sững, hùng vĩ, cây cối xanh mát mặt hướng ra hồ Thung Nai. Năm 2009, động Thác Bờ được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia.

Động Thác Bờ Hòa Bình

Tháng 1 đến tháng tháng 3 hàng năm ở đây thường có nhiều lễ hội. Du khách dâng hương sẽ đến bến Thung Nai, sau đó thuê thuyền để tới đền. Lịch trình tuần tự là ở đền Trình, đền Chúa.

Núi Đầu Rồng

Núi Đầu Rồng có vị trí nằm ở thị trấn Cao Phong, đi theo QL6 cách trung tâm thành phố Hòa Bình 15km. Núi Đầu Rồng quy tụ các hang động đẹp có nhũ đá bao gồm Hoa Sơn Thạch động, Động Không Đáy, Phong Sơn động, Nhãn Long Sơn động, Hang Nước, Động Thanh Thủy..

Núi Đầu Rồng sở hữu các hang động kỳ bí có nhũ đá lung linh, càng vào sâu càng đẹp

Các hang động được phân bố khá đều trong dãy núi, khoảng cách giữa các điểm chỉ vài trăm mét. Danh lam thắng cảnh quần thể hang động Núi Đầu Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia.

Đặc sản Hòa Bình

Với địa hình chủ yếu là đồi núi sông hồ vì vậy đặc sản Hòa Bình cũng rất phong phú và được chế biến mang hương vị địa phương độc đáo.

Cơm lam

Cơm lam Hòa Bình nổi tiếng khắp mọi miền không chỉ bởi mùi vị thơm ngon mà còn ở cách chế biến kỳ công, tâm huyết. Cơm lam được người dân chế biến từ gạo nương dẻo thơm.

Cơm lam nướng chín trong ống nứa

Trước đó gạo được ngâm trộn với cùi dừa bào sợi để nhồi vào ống nứa, nấu bằng nước dừa tươi làm cho cơm thêm ngậy và dậy mùi. Sau đó những ống nứa được đặt lên trên than củi để nướng cho chín. Mùi cơm thượng hạng phảng phất mùi của bếp củi khiến bất cứ ai thưởng thức đều say đắm.

Xôi nếp nương Mai Châu

Xôi nếp nương Hòa Bình

Xôi nếp nương Mai Châu là đặc sản của dân tộc Thái ở Hòa Bình. “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, xôi được nấu từ gạo nếp nương thơm ngon hạt to tròn mẩy ngâm ít nhất 6 – 8 tiếng, trộn với nhiều màu sắc khác nhau được chiết xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như lá nếp màu xanh, gấc đỏ, lá cẩm tím..

Cá kẹp thanh tre

Dung dị như chính cái tên món ăn, cá kẹo thanh tre được chế biến như sau. Người dân làm sạch vảy, bỏ ruột các loại cá thiểu, cá ngão sau đó ướp muối tiêu rồi nướng trên bếp than hồng.

Cá ướp gia vị kẹp thanh tre và nướng trên than hồng
Cá kẹp thanh tre – đặc sản Hòa Bình

Đặc biệt không sử dụng vỉ sắt mà dùng kẹp thanh tre vừa gần gũi tự nhiên vừa dậy mùi thơm đặc trưng riêng. Cá khi chín tới hoặc xém một chút được  bày lên lá chuối xanh, ăn kèm lá sấu non, lá mơ, lá lốt. Thịt cá chắc, ngọt và thơm phức mùi nướng than và thoang thoảng hương chuối, tre. Món cá kẹo thanh tre dễ tìm thấy trên đường lên động Thác Bờ.

Gà nấu măng chua

Gà Lạc Sơn và măng rừng tươi ngon là hai đặc sản nổi tiếng của Hòa Bình, hạt dổi cũng là đặc sản của Hòa Bình.

Một nguyên liệu góp phần tạo hương vị riêng của đặc sản chính là măng được người dân hái trong rừng Hòa Bình

Măng giang tươi được lấy trên rừng, thái nhỏ rồi rửa sạch, thêm muối để lên men tự nhiên. Măng có màu vàng nhạt, thơm và không váng. Gà thường được chọn nấu canh măng là gà đồi, dai và thơm. Sau khi làm sạch thì thái nhỏ, đảo đều với hành mỡ cho săn lại. Sau đó gà được đun liu riu với măng chua và thêm hạt dổi, có vị hăng, thơm đặc trưng.

Thịt trâu nấu lá lồm

Thịt trâu nấu lá lồm là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình và lá lồm là một loại lá có vị chua. Để món này ngon người dân phải lựa miếng thịt từ con trâu khỏe, thịt phải tươi sau đó cạo sạch lông, thui vàng lớp da. Tiếp theo đem thịt đi bung mềm rồi thái miếng vừa miệng ăn.

Đặc sản thịt trâu nấu lá lồm

Điểm nhấn của đặc sản đó chính là sự kết hợp của miếng thịt trâu sau khi bung tiếp tục cho vào hầm cùng gạo và lá lồm. Hầm liên tục cho đến khi gạo chín sánh lại, lúc này món ăn đã sẵn sàng và hài hòa giữa thịt trâu chín mềm, vị chua của lá và mùi thơm vị ngậy của gạo bung chín tới.

Chả cuốn lá bưởi

Thay vì làm chả cuốn lá lốt, người dân Hòa Bình có đặc sản thịt cuốn lá bưởi rất hấp dẫn bởi mùi vị mới lạ. Gọi là chả nhưng món Chả cuốn lá bưởi được chế biến từ những miếng thịt thái hình con chì nêm gia vị nước mắm, hành khô rồi bọc lá bưởi tươi và dùng kẹp tre nước.

Chả cuốn lá bưởi sau khi chín thơm nức

Khi món ăn chín tới, mùi vị thịt thơm ngon phảng phất hương vị lá bưởi, kẹp tre trên bếp than hồng kích thích vị giác, làm xao xuyến bất cứ ai được thưởng thức dù chỉ một lần.

Thịt lợn muối chua

Thịt lợn muối chua cũng là một đặc sản nức tiếng của Hòa Bình. Để hoàn thành món ăn dân dã này nhất định phải có lá chuối rừng, thịt lợn tươi ướp men lá rừng để tạo hương vị chua tự nhiên và gạo rang, muối rang cùng với men lá rừng.

Thịt lợn muối chua

Theo như người dân hướng dẫn, lá chuối rừng rửa sạch rồi hơ trên lửa, xếp lót đáy bồ làm từ tre hoặc nứa rừng rồi mới trải thịt lên. Khi xếp thịt cần nhớ mỗi lớp thịt được đan xen một lớp gạo rang và muối rang. Sau đó đậy nắp kín, cất bồ thịt ở trên gác bếp hoặc khu vực quanh bếp củi. Món thịt lợn muối chua chuẩn vị sẽ có vị chua thanh không gắt, thịt lợn thơm kèm mùi vị gạo rang.

Lợn mán thui luộc

Đặc sản lợn mán thui luộc

Lợn mán được thả tự nhiên ở đồi giúp thịt lợn thơm, chắc và sạch. Thịt lợn được người dân kết hợp vừa cạo lông vừa thui, đến khi lớp da vàng bóng thì đem đi luộc cho chín tới. Sau khi vớt thịt và để nguội, thịt được thái vừa ăn kèm gia vị chấm đặc trưng của hạt dổi thơm nồng và muối rang.

Rượu Cần

Nhắc đến Hòa Bình, cửa ngõ vùng Tây Bắc nhất định phải nhắc đến rượu cần. Rượu cần thường được người dân uống vào dịp lễ tết hay chiêu đãi khách quý. Rượu có vị chua chua, ngọt ngọt làm say cả núi rừng.

Rau rừng đồ

Rau rừng đồ món ăn dân dã rất đáng thử khi đi du lịch Hòa Bình

Rau rừng đồ là một đặc sản mang đậm hương vị địa phương đặc trưng. Với món này bao gồm các loại rau khác nhau trong vườn nhà hoặc trên rừng như cải mèo, lá lốt, đu đủ, lá hom.. Món ăn không chỉ lạ miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Hòa Bình cửa ngõ Tây Bắc, nơi hội tụ cảnh đẹp núi đồi trùng điệp, nước non xanh biếc cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc ngày càng trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng miền Bắc. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc, Hòa Bình những năm gần đây còn thu hút các CĐT uy tín có tầm xây dựng các khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe bài bản hứa hẹn trở thành điểm đến hàng đầu miền Bắc.

Tìm hiểu thêm:

>> Tổ hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Sun Group Hòa Bình

>> Xây dựng đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Bình

5/5 - (1 bình chọn)
   

Cùng chuyên mục

   
096.775.8686