Ưu tiên dịch vụ Casino tại ba đặc khu kinh tế
Trong phiên họp Quốc hội,bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng giới thiệu với Quốc hội dự án Luật Đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt.
Ngành đặc thù ở 3 đặc khu
Theo dự luật Chính phủ trình, đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.
Đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) sẽ phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính.
Còn đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.
Uỷ ban Pháp luật cho biết, theo các danh mục thì du lịch là một trong những ngành, nghề được ưu tiên phát triển ở cả 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biêt. Trong đó, cả 3 đơn vị đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng.
Uỷ ban cho rằng sự trùng lặp ngành, nghề ưu tiên có thể dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 đơn vị. “Mặt khác, hiện nay nhiều nước trong khu vực có vị trí địa lý gần với nước ta đã khá thành công với loại hình này, việc ưu tiên ngành, nghề này cần phải tạo nên thế mạnh riêng và đủ khả năng cạnh tranh với các nước”, Uỷ ban pháp luật nhắc nhở.
Áp dụng mức thuế thấp với dịch vụ Casino
Uỷ ban Pháp luật đánh giá, những ưu đãi về thuế sẽ tác động tới nguồn thu của ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế đất nước. Do đó, cần có sự tính toán về những chi phí và lợi ích của những chính sách này, cân nhắc về tác động đối với các doanh nghiệp nội địa ngoài đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và nguy cơ các ưu đãi về thuế bị lợi dụng.
Ví dụ, việc quay vòng xuất nhập khẩu hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế và hoàn thuế; việc các doanh nghiệp chuyển từ khu vực này sang khu vực khác để tìm kiếm ưu đãi vế thuế… “
Mặt khác, kinh nghiệm các nước cho thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý và sự thuận lợi về thể chế hành chính trong nhiều trường hợp có thể còn quan trọng hơn các ưu đãi về đất đai hay thuế”, Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh.\
Thời hạn sử dụng đất tối đa lên tới 99 năm
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh tại các đặc khu đặc biệt thuận lợi khi thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 108; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ đề nghị mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở. Cụ thể, thời hạn sử dụng đất tối đa lên tới 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (quy định hiện hành tối đa 70 năm).
Đồng thời, tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đánh giá, các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật đã thể hiện tính vượt trội. Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị cân nhắc kỹ từng nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách về đất đai.
Có ý kiến trong Uỷ ban cho rằng, việc thu hồi đất ở một số địa bàn còn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đều là những nơi tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
“Việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc này có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế”, Uỷ ban Pháp luật đánh giá.
Vì vậy, Uỷ ban đề nghị cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân. Theo Uỷ ban, nênquy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có; làm sao đảm bảo thu hút đầu tư nhưng cũng bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
( Nguồn: Vnexpress)
Xem thêm: Trở thành đặc khu kinh tế, bất động sản Phú Quốc “lên ngôi”