“Người mang hồn cáp Sun World Fansipan Lengend” – Chuyện kể của những kiệt tác số 02

Kính thưa Quý Khách hàng thân thiết, Chúng ta lại gặp nhau trong chuyên mục: CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG KIỆT TÁC – nơi đưa chúng ta đến với các địa điểm hút khách, các công trình biểu tượng qua những câu chuyện của Sun Property – một thành viên Tập đoàn Sun Group.

Kết thúc chuyến tham quan Khách sạn Capella Hanoi, CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG KIỆT TÁC SỐ 02 xin mời Quý Khách hàng cùng tham gia vào công cuộc chinh phục nóc nhà Đông Dương và lắng nghe câu chuyện về khát vọng khai mở của những người Sun Group trẻ tuổi khi đó. Đừng quên tham gia minigame trả lời câu hỏi của chúng tôi để có cơ hội là 1 trong 10 người may mắn nhận được những quà tặng hấp dẫn nhé!

Người mang hồn cáp Sun World Fansipan Lengend

Đã có rất nhiều điều diễn ra trên đất Sa Pa trong suốt 5 năm qua, với những nỗ lực của đồng bào và chínhquyền nơi này, nhưng một trong những động lực quan trọng nhất cho sự đổi thay, là việc đầu tư cho hạ tầng. Và cáp treo Fansipan là một phần cốt lõi trong đó.

Khoảng cách từ cửa rừng gần nhất lên đến “nóc nhà Đông Dương” là 6,2km theo đường chim bay và 11km theo đường núi. Trong quá khứ, một khách du lịch ưa mạo hiểm sẽ mất 2 ngày 1 đêm cho việc leo lên đỉnh núi, kèm theo việc sử dụng các “porter” (người thồ hàng) địa phương. Nhưng với cáp treo Fansipan, du khách giờ chỉ mất 15 phút để lên tới đỉnh núi, và không phải đi xuyên rừng với những nguy hiểm tiềm tàng nữa.

Đó là công trình cáp treo ba dây dài nhất thế giới – một tham vọng đã khiến ngay cả các chuyên gia của Doppelmayr Garaventa, công ty sản xuất cáp treo hàng đầu thế giới, cũng phải kinh ngạc. Một trong những lý do cho tham vọng này, là ngay từ đầu, chủ đầu tư Sun Group đã xác định rằng sẽ không xâm phạm vào hệ sinh thái rừng Hoàng Liên, và 35.000 tấn vật liệu sẽ được vận chuyển xuyên qua rừng, thay vì chặt cây mở đường như bất kỳ dự án nào mà Doppelmayr từng thực hiện ở châu Âu.
Để có được tuyến cáp dài 6,2 km đó, đội ngũ nhân sự của dự án – những người mang “hồn cáp” – gồm các kỹ sư, công nhân của tập đoàn Sun Group, hàng trăm “cộng tác viên” người dân tộc thiểu số, và cả chính quyền tỉnh Lào Cai – thị xã Sa Pa đã liên tục làm việc trong hơn 800 ngày đêm, trên những vách núi dựng đứng của đỉnh Fansipan.

Mở lối lên đỉnh trời

Giữa mây trắng trên đỉnh Fansipan, ký ức về những ngày đầu xây dựng dự án cáp treo 3 dây đầu tiên của Việt Nam được gợi lại chân thật, xen lẫn xúc động và tự hào.

Đầu tháng 5/2013, ngay sau khi tuyến cáp số 3 tại Bà Nà của Sun Group khánh thành, kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà được điều động tới Sa Pa. Nhiệm vụ được ghi rõ ràng, ngắn gọn: Định tuyến, vẽ lối để mở đường cho việc xây dựng tuyến cáp treo 3 dây đầu tiên của Việt Nam nối thẳng lên đỉnh Fansipan.

Tự tin rằng mình thừa kinh nghiệm để chinh phục Fansipan khi đã lăn lộn với cáp treo Bà Nà, nhưng anh Hà vẫn không khỏi lo sợ trước thực tế khốc liệt của Tây Bắc: “Nhìn lên phía đỉnh thì… đen sì, không biết đâu vào đâu, không thấy hướng gì cả. Đường núi trập trùng và… rất dã man”. Lần đầu tiên trong đời, anh và nhóm kỹ sư Sun Group từng “chinh chiến” tại cáp treo Bà Nà phải đối mặt với những thử thách “cực đại” trong giấc mơ có phần điên rồ và bất khả thi: Dựng tuyến cáp treo hơn 6 km lên đỉnh trời.

Hai giải pháp được cân nhắc khi đó là cáp treo 1 dây và cáp treo 3 dây. “Yêu cầu chung của toàn tuyến cáp là đi qua tất cả điểm đặc trưng của Sa Pa như ruộng bậc thang, bản làng, sông suối, rừng chè, đỗ quyên hay vân sam. Do đó, chúng tôi phải tính toán thật kỹ từng chi tiết. Đơn cử như ga đi, ban đầu dự định đặt tại Sín Chải, ngay giữa thung lũng Mường Hoa. Tuy nhiên, sau khi tính toán, vị trí đó không thỏa mãn được cao độ để có tầm nhìn toàn cảnh”, chàng kỹ sư trắc đạc nhớ lại.

Bên cạnh đó, hạn chế tác động là yêu cầu tiên quyết của chủ đầu tư Sun Group xuyên suốt toàn dự án. Cáp treo 3 dây thỏa mãn được thách thức đó, khi số trụ cáp ít hơn, có thể thực hiện phương pháp kéo cáp nổi trên mặt rừng. Và hơn hết, trong điều kiện gió lớn, cáp vẫn vận hành ổn định, đảm bảo an toàn cho du khách.

Vào những năm 2013-2016, lựa chọn xây dựng cáp treo 3 dây chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Toàn bộ trang thiết bị, máy móc chính đều phải nhập khẩu, kỹ thuật cũng hoàn toàn mới mẻ. Quyết định ấy đồng nghĩa với việc chấp nhận tốn kém, khó khăn nhân lên gấp bội.

Giải được câu đố cáp treo 3 dây, tổ đặc nhiệm vẽ sống lưng Fansipan chính thức lên đường. Bằng mọi giá, họ phải xác định được đường đi của cáp. Đây là yêu cầu sống còn, quyết định toàn bộ sự thành bại của công trình trong giai đoạn về sau.

Do đặc thù địa hình, toàn bộ 6 cột trụ (gồm cả ga đi và ga đến) được dựng xuyên qua đại ngàn. Điều này đồng nghĩa để định tuyến thành công, đội khảo sát buộc phải cắt sâu vào rừng tìm lối. Anh Nguyễn Khắc Hằng – một kỹ sư đời đầu tại Fansipan – khẽ nhăn mặt khi nhắc lại quãng thời gian khó quên: “Những ngày đầu tiến hành khảo sát thực sự kinh hoàng”.

Điệp khúc ăn rừng, ngủ gió, tắm sương… từ Bà Nà tiếp tục lặp lại với tổ đặc nhiệm, nhưng khó khăn thì tính bằng cấp số nhân. Đường đã không còn được tính bằng km, thay vào đó là đếm từng con dốc, trảng rừng đã leo qua. Nơi ở được dựng sơ sài bằng tre nứa, người ở trong lúc nào cũng phập phồng sợ sập.

Gian khổ là thế, song việc vẫn phải làm. Thách thức lớn nhất được đặt ra trong giai đoạn đầu là đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của việc định tuyến. Sai số cho phép do các chuyên gia từ Doppelmayr đưa ra chỉ 0,25 cm.

“Đối mặt với Fansipan, mọi lý thuyết viết trên sách vở về trắc đạc đều không thể áp dụng. Loạt sai số xuất hiện do địa hình quá phức tạp. Máy móc đo cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi sóng viễn thông phía Trung Quốc. Khó khăn chồng khó khăn. Giải pháp khả dĩ nhất vẫn là dùng sức người, kết hợp đo đạc, tính toán trên bình đồ”, anh Hà chia sẻ.

Tổ khảo sát được chia làm 2 mũi, đi từ hai hướng ngược nhau xuống. Thế nhưng, đến khi gặp, có khi cả hai đã bị lệch đến chục mét. Những người trong tổ không thể đếm được đã phải qua lại bao lần chỉ để khoảng cách ấy dần dần thu hẹp; chỉ biết, “tất cả đỉnh núi trong phạm vi 5 km, chúng tôi đều đã in dấu chân” như cách nói của anh Hà.

Những chuyến đi cứ thế nối tiếp. Nhờ có những đôi chân không mệt mỏi, 6 tháng sau, việc định tuyến xương sống cáp treo được hoàn thành đúng theo yêu cầu của Doppelmayr. 6 tháng ăn núi, ngủ rừng vất vả nhưng đủ làm cho Fansipan từ lạ hóa quen. Chính trong khoảng thời gian này, tình yêu với Fansipan đã lặng lẽ đến và thấm sâu vào họ. Thứ tình yêu đã được đánh đổi bằng mồ hôi và cả máu – điều đến tận bây giờ, hầu hết thành viên trong tổ đặc nhiệm ngày nào vẫn còn tha thiết với Fansipan như một duyên nợ lâu bền.

Kỳ tích giữa đại ngàn

“Điên” là cách anh Trịnh Văn Hà, Nguyễn Khắc Hằng và hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân Fansipan 8 năm về trước tự trào phúng chính mình. Tính đến tháng 2/2016, khi tuyến cáp được khánh thành, những “gã điên” của Hoàng Liên Sơn có ngót nghét 800 ngày đêm ăn rừng, ngủ núi. Khoảng thời gian đủ dài để thử thách ý chí và sức bền cực hạn của bất cứ ai. Trong 800 ngày ấy, họ đã dùng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình để dựng nên một trong những công trình kỳ vĩ bậc nhất Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Mùi – nhân chứng của thời kỳ “mở lối, dựng cáp” – thậm chí còn ví von “Đi Sa Pa như là đi đánh trận”, bởi mức độ khốc liệt đến độ bất thường anh nếm trải. Khó khăn lớn nhất với anh Mùi không nằm ở kỹ thuật mà là yếu tố con người. Fansipan trong giai đoạn sơ khởi chính là phép thử rõ ràng nhất cho nghị lực, ý chí và cả tính kỷ luật.

Bài tập thể dục mỗi ngày là leo núi ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển – nơi dốc đứng chốc chốc lại chồm lên như lưng ngựa đua đang hí vang trời. Những khi rét buốt, họ lại có thêm bài tập phá băng lấy nước về dùng. Cực nhất là giai đoạn tuyết rơi ở Hoàng Liên Sơn. Nhiệt độ trong rừng nhanh chóng hạ sâu.

Tuyết đóng thành từng mảng dày ngập quá cổ chân khiến mặt đá trơn tuột. Việc thi công hay vận chuyển vật liệu trở nên khó khăn do đôi tay cóng buốt. Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian hơn 800 ngày đêm thi công, Fansipan đã có tới 5 trận mưa tuyết. Thời tiết thường xuyên ở mức âm độ, mọi sinh hoạt trên dọc sống lưng Fansipan trở nên bất thường theo cách… bình thường nhất.

Khó khăn là thế nhưng công việc vẫn phải làm. Nhiệm vụ của đội phụ trách phần thô và hạ tầng lúc này là phải nhanh chóng tạo mặt bằng, xây móng để dựng 2 nhà ga đi – đến và 4 cột trụ về sau. Với điều kiện địa hình nhiều dốc đứng, rừng nguyên sinh bao phủ và phân thành nhiều vành đai thực vật theo cao độ khác nhau, Hoàng Liên Sơn thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với những người thi công. 5/6 địa điểm được chọn để thi công hố móng đều nằm sâu trong rừng rậm, hoặc núi cao, đường vào hết sức khó khăn. Cộng thêm chủ trương không phá rừng từ chủ đầu tư Sun Group, mọi phương tiện, máy móc vận chuyển nguyên vật liệu đều phải đầu hàng vô điều kiện.

Phương án khả thi nhất được đưa ra và phê duyệt là dùng bằng sức người “cõng” sắt, đá, xi măng lên núi. Bất chấp những nghi ngại từ Doppelmayr, ngày ngày, từng đoàn “kiến thợ” kiên nhẫn vác từng gùi cát, sỏi, xi măng leo dốc, vượt núi để vào các điểm tập kết.

Kiến tha lâu đầy tổ, chỉ trong vòng hơn 1 năm, hàng chục nghìn tấn vật liệu đã có mặt tại 6 điểm tập kết. Thứ hiện đại duy nhất là dàn máy trộn bê tông cỡ nhỏ, cũng được “cõng” vào sau khi tháo rời ra thành từng phần nhỏ. Đến lúc này, những gã thợ chỉ có cuốc, xẻng trần mình hì hục khoét từng mảng đất, san gạt hố móng tạo mặt bằng chuẩn bị dựng trụ cáp.

Sau này, khi tuyến cáp công vụ ra đời, việc vận chuyển máy móc cỡ lớn được cơ giới hóa, nhưng các “kiến thợ” Fansipan vẫn mải miết trên tuyến đường của mình. Họ lần lượt cõng điện lên nóc nhà Đông Dương, gánh đá lên tới đỉnh trời. Chỉ tính riêng giai đoạn thi công khu ga đến, hàng trăm công nhân đã xoay trần, đánh vật với hơn 4.200 khối đá nguyên khối nặng 300kg. Cứ 20 người sẽ khiêng một trụ, hoàn toàn không có máy móc trợ lực.

Kỹ sư cơ khí Trần Vinh tủm tỉm cười khi nhớ lại sự ngạc nhiên đến tột cùng của các chuyên gia tới từ châu Âu. Anh kể: “Họ không thể tin với cách làm ‘made in Vietnam’, chúng ta có thể đưa công trình về đích đúng thời hạn. Nhưng thực tế, Fansipan khi ấy vừa là một công trường, lại vừa là một trường học – nơi hàng loạt sáng kiến của người Việt Nam ra đời và chứng minh được sự đúng đắn”. Điển hình nhất như kết cấu thép, sau khi nghiên cứu điều kiện thời tiết đặc thù, tổ cơ khí đã đề xuất dùng loại thép có thể chịu mức nhiệt -20 độ C. Đối với bê tông, các kỹ sư người Việt cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng, bổ sung thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình đông kết, khả năng chịu nhiệt độ thấp như tại Fansipan.

Hơn 5 năm sau, khi ngồi lại với nhau, những “gã điên” ngày nào vẫn thường kể cho nhau những thứ bất bình thường ấy rồi cười xòa. “Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa hiểu động lực nào giúp những gã kỹ sư khi ấy vượt qua được tất cả khó khăn, thách thức. Có thể đơn giản chỉ vì muốn khẳng định người Việt Nam có thể làm được những công trình kỳ vĩ nhất. Hoặc, chúng tôi mong muốn mọi người đều có thể chinh phục được Fansipan theo cách thuận tiện nhất chăng?” anh Mùi nói.

Kéo điện lên nóc nhà Đông Dương

Nằm trên độ cao 3.143m, hệ thống điện trên đỉnh Fansipan là tổ hợp điện lưới cao nhất Việt Nam. Không chỉ đưa ánh sáng lên nóc nhà Đông Dương, công trình kỷ lục này còn thể hiện ý chí, nghị lực phi thường của những người thực hiện.

Kỹ sư điện Trần Đình Luật – người con của Lào Cai đã khởi động công cuộc chinh phục Fansipan cùng các đồng nghiệp với một nhiệm vụ “bất khả thi”: Xây dựng đường dây 35kV từ chân núi lên đỉnh. Công việc đầu tiên của anh Luật là đi khảo sát tuyến. “Ban đầu, tôi nghĩ đi khảo sát như bình thường, nhiều thì vài tiếng rồi sẽ quay ra. Ai ngờ, càng đi càng thấy hun hút”, chàng thanh niên nhớ lại. Chỉ sau chừng một giờ, anh bị bỏ lại do không đủ sức bắt kịp cả đoàn. Đến tận đêm, anh Luật mới bò được tới điểm nghỉ, mình mẩy ê ẩm, rã rời.

Không chỉ anh Luật, ngay cả người dạn dày kinh nghiệm như chỉ huy trưởng tổ điện Đặng Ngọc Hồng – người từng kéo điện cho 2 tuyến cáp lớn tại Bà Nà cũng phải thừa nhận bản thân thấy “mịt mù, chưa biết đâu với đâu”, bởi “Nhìn lên đỉnh núi chỉ thấy màu xanh – đen lẫn lộn. Nghĩ đến việc đi bộ lên tận độ cao 3.143m để thi công, tôi cũng bị sốc và choáng”.

Khó khăn là thế, nhưng để đảm bảo sự thành công của toàn dự án, việc kéo điện là nhiệm vụ bắt buộc. Dựa trên thực tế địa hình, tuyến 35kV được định vị bám sát đường phượt chạy từ Trạm Tôn lên phía đỉnh. Phương án này đảm bảo thuận tiện khi vận chuyển nguyên vật liệu, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến rừng, đúng như chủ trương xuyên suốt dự án. Định tuyến xong, việc thi công các trụ điện cũng bắt đầu. Từ Trạm Tôn, trong vài tháng tiếp, hàng trăm công nhân mang theo cuốc, xẻng vào rừng. Cùng lúc, từng tốp đồng bào người Mông, Dao, Thái… cũng được thuê vận chuyển vật liệu bằng gùi. Có thời điểm, chỉ riêng đội porter cõng thiết bị đã lên tới 400-500 người. Bằng phương thức thô sơ, tổng cộng hơn 15.000 tấn vật liệu đã có mặt tại các vị trí thi công.

Tháng 11/2015, 33 cột điện đã dựng lên dọc đường mòn, giúp củng cố hơn niềm tin vào sự thành công của con đường ánh sáng trong một ngày không xa. Cực nhất phải kể tới giai đoạn kéo dây. Ban đầu, các kỹ sư điện rải những sợi thừng có đường kính 8mm loại nhẹ dọc từ cột này sang cột khác để làm dây mồi. Sau khi đã căng được lên trụ thì mới đưa dây 35kV lớn hơn buộc vào để kéo lên cho nhẹ. “Nghe thì đơn giản thế, nhưng yêu cầu bắt buộc là dây điện phải đi trên tán cây để giữ rừng. Đây là giai đoạn khó khăn nhất khi chúng tôi liên tục phải vượt qua những thung lũng, trèo cây như Tarzan”, tổ trưởng Đặng Ngọc Hồng ngậm ngùi chia sẻ.

Sờ tay vào vết sẹo vẫn còn rõ nét trên trán, anh Trần Đình Luật cười: “Để kéo được điện lên đỉnh như bây giờ, tôi có lần đứng giữa lằn ranh giữa sống và chết”. Đó là lúc trước khi cáp treo chính thức vận hành, trời bất ngờ có mưa tuyết. Đường dây 35kV bị đứt. Nhà thầu chỉ nhận khắc phục ở những điểm dễ, còn khu vực giữa hai cột 14 và 15, tổ điện của anh Luật phải tự hoàn thành. “Đây là đoạn phức tạp nhất toàn tuyến khi giữa hai cột là khe sâu hơn 100m, địa hình chủ yếu là vách đá. Khi cả đội đã nối dây thành công, chỉ cần néo nốt sợi cuối để về thì trời lại có sương mù rất dày. Ở trên cột, tôi nói anh em ở dưới trùng dây để đấu nối nhưng do gió và sương mù nên nhóm hỗ trợ nghe nhầm thành thả dây”, anh Luật kể. Sợi cáp treo không có người giữ ngay lập tức bật ngược lên, quyét qua trán khiến anh ngay lập tức ngã ngửa, treo lơ lủng giữa cột điện cap cả chục mét. Anh lịm dần đi, máu chảy đầm đìa.

“Mọi người phải lấy cây rừng khiêng tôi về. Có đoạn dốc quá, tôi bị kéo lê trên đất. Phải 3 tiếng sau mới ra tới Trạm Tôn. Lúc này tôi đã mê man. Anh em phải tát thật mạnh thì tôi mới tỉnh lại được”, anh Luật rùng mình. Sự cố ngày ấy “tặng” cho anh Luật vết sẹo chạy chéo phía trái trán, gần chục vết khâu ở tay và chân. Nhưng với chàng trai trẻ, đó như một minh chứng sinh động cho quãng thời gian anh coi là “đáng nhớ và ý nghĩa nhất” trong cuộc đời.

Đúng ngày 2/9/2015, sau 11 tháng gian khổ, dòng điện 35kV đã chính thức thắp sáng nóc nhà Đông Dương. Có điện rồi, hành trình tưởng chừng hoang đường đã tới đích. Từ nay, đỉnh Fansipan đã có ánh đèn – thứ biểu tượng của văn minh và sự khai mở.

Hành trình kéo cáp và những thử thách cực đại

Tháng 7/2014, thời điểm ông Reto Sigrist – chuyên gia của Doppelmayr Garaventa có mặt tại Lào Cai, sau 8 tháng khởi công, tiến độ thực hiện các hạng mục vẫn rất chậm. Lúc này, sức người không thể đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, nhất là việc dựng các cột trụ cao tới hàng chục mét. Vấn đề sống còn là phải thiết lập được tuyến cáp công vụ chạy dọc tuyến để có thể đưa máy móc, bê tông và kết cấu thép vào các vị trí chờ. Theo lẽ thường, ông Reto và cộng sự đề xuất kéo cáp bằng trực thăng hoặc khinh khí cầu. Thậm chí, đã có thời điểm, nhóm chuyên gia sử dụng máy bay không người lái 8 cánh cỡ lớn trị giá hơn một tỷ đồng để thử kéo cáp. Thế nhưng, không loại phương tiện tối tân nào trong số ấy chịu được sức gió quẩn từ dãy Ô Quy Hồ tạt ngược về Hoàng Liên Sơn. Máy bay mất tích chỉ sau 10 phút cất cánh. Thất bại, Garaventa tiếp tục đưa ra cách vạt rừng, kê gỗ để dựng trụ kéo cáp mồi.

“Chủ trương nhất quán của chúng tôi là giảm thiểu sự tác động vào thiên nhiên. Do đó, phương án này cũng phải gạt bỏ. Cách duy nhất vẫn phải tận dụng sức người, kéo cáp thủ công dọc tuyến”, anh Đỗ Minh Giang – cựu kỹ sư phụ trách cáp công vụ, nhớ lại.

Một đợt cao điểm nữa ngay lập tức được mở ra. Những công nhân “kiến thợ của rừng Fan” thêm một lần “cõng sắt, vác cáp” vào rừng. Đầu tiên, họ chia các cấu kiện sắt thép dựng trụ công vụ thành từng phần nhỏ rồi gùi vào các điểm chỉ định. Những thanh sắt có khi nặng đến 100kg làm chai sần vai người thợ. Máy tời, dầu máy… cũng lần lượt theo cách ấy sẵn sàng. Chỉ một thời gian sau, những cột trụ công vụ đã được dựng lên. Tiếp đó là tới giai đoạn rải, kéo cáp mồi. Lúc này, một nhóm công nhân sẽ vác bộ theo các sợi cáp có đường kính 6mm trải ra từng đoạn trước khi đấu nối với nhau thành một đường dài. Sau đó, cáp sẽ được đưa lên trụ công vụ rồi sử dụng máy tời nhỏ để kéo dần. Địa hình hiểm trở khiến hành trình dựng nên tuyến cáp đầu tiên của Fansipan trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Có những đoạn gặp vực sâu tới cả trăm mét, anh Giang và đồng nghiệp buộc phải thuê người Mông bản địa đóng các thang gỗ để xuống đáy. Cáp mồi được đấu nối thành công sẽ làm nhiệm vụ “cõng” những sợi cáp tiếp theo với đường kính 12, 18 rồi 42mm nhờ hệ thống module tại các trụ công vụ.

Chứng kiến cách làm thô sơ này, ông Reto đã phải thốt lên: “Không quốc gia nào có cách làm như ở đây cả”. Thậm chí, các đồng nghiệp của ông còn dự báo nếu cứ thực hiện một cách thủ công chỉ bằng cuốc, xẻng, xà beng… thì sẽ phải mất tới 5 năm, công trình mới có cơ may vận hành.

Trái ngược với sự bi quan này, chỉ tới tháng 1/2015, thuần túy nhờ vào sức người, tuyến cáp công vụ (LCS) chính thức được vận hành, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của đại công trình trên núi Hoàng Liên. Sau cú hích mang tên LCS, tiến độ công trình hóa thần tốc. Máy phát điện công suất lớn, vật tư, vật liệu, thực phẩm, thiết bị kết nối đường truyền Internet… được chuyển lên. Chỉ mất thêm 3 tháng, 4 trụ thép chính T1 đến T4 đã ngạo nghễ vươn cao trên tán rừng Hoàng Liên. Giấc mơ “bay lên đỉnh Fansipan” cuối cùng cũng chỉ còn cách một gang tấc. Vượt qua núi cao, vực sâu, ngày 2/7/2015, sợi cáp mồi đầu tiên đã được đặt đúng vị trí, hiên ngang vắt từ nhà ga đi qua 4 trụ chính trước khi nối thẳng vào ga đến trên độ cao 3.014m.

Trải qua thêm 5 lần mồi, cuối cùng giờ phút kéo cáp chính nặng tới 135 tấn cũng bắt đầu. 8 máy tời công suất lớn tại 2 nhà ga được huy động. Phía trên, sợi cáp to ì ạch chạy. Phía dưới, một tổ đội gồm chuyên gia từ Doppelmayr Garaventa cùng giám sát người Việt đi bộ bám sát từng ly, phòng sai sót và sự cố. Do yêu cầu kỹ thuật đối với cáp chính rất nghiêm ngặt, tổ giám sát phải đảm bảo cáp không được trùng tới mức có thể chạm đất, chạm điện; đồng thời cần giữ cho dây không căng, tránh trường hợp đổ trụ đỡ hoặc đứt cáp.

“Nhiệm vụ của cả nhóm rất nặng nề, phải liên tục quan sát và cảnh báo cho người vận hành nếu phát hiện sự cố. Cảm giác sự thành bại của cả dự án đè nặng lên vai mình trong suốt gần 2 tháng đuổi theo cáp chính vậy”, anh Hậu nhớ lại. Cũng trong một lần làm nhiệm vụ như thế, chàng trai trẻ đã “suýt chết”. Bữa đó, anh Hậu cùng chuyên gia đi từ T1 theo sợi cáp 12 li tới gần trụ T2. Đường đi mỗi lúc một khó, có đoạn chỉ còn đủ cho một người đặt chân. Tới điểm cách trụ chính chừng 500m thì vách núi bắt đầu hun hút. Tay cầm bộ đàm, mắt anh vẫn bám sát đường cáp đi. Đột ngột, anh thấy chới với. Chỉ vài giây sau, anh biết mình đang bị trượt xuống vực sâu hun hút phía dưới. “Lúc ấy, tôi chẳng thể nghĩ được gì nhiều, chỉ kịp nhớ lời anh em dặn nên giơ tay ra hai bên để xem bám vào được cái gì thì bám lại”, anh Hậu kể. Trượt thêm được chừng 12,13m, khi đôi tay anh đã bỏng rát và tê rần thì bất ngờ lại chạm trúng sợi dây leo bò ngang vách vực. Cả người anh bị giật mạnh rồi khựng lại. Đá vẫn roàn roạt lăn lăn xuống phía dưới.

Ông Reto Sigrist cũng có một kỷ niệm “nhớ đời” với Fansipan, đủ để ông thấm thía sự khó khăn cực độ của lần thi công tại Việt Nam, khi ông bị trượt ngã và phải khâu 6 mũi tại đùi trái trong quá trình “bắt dấu” cáp.

Với sự nỗ lực tối đa, giữa tháng 12/2015, sợi cáp cuối cùng đã cán đích, chính thức thiết lập thành công cáp 3 dây đầu tiên của Việt Nam cũng như toàn châu Á. “Khi sợi cáp cuối cùng vào vị trí, cả người Việt lẫn các bạn Tây đều ôm chầm lấy nhau hò hét. Chúng tôi đều cảm thấy mình đã thực hiện được một điều thật vĩ đại”, anh Hậu bồi hồi.

Trải qua chuyến hành trình 800 ngày đầy gian nan và thử thách, 2/2/2016, tuyến cáp treo hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Đến đây chắc hẳn mỗi chúng ta đều thổn thức và không khỏi khâm phục những người anh hùng thầm lặng đã cống hiến sức lực và một phần thanh xuân để kiến tạo nên một công trình cáp treo ghi danh nhiều kỷ lục khó tin đến vậy.

Theo ông Vương Trinh Quốc – Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sự hình thành của tuyến cáp treo Fansipan nói riêng và tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group nói chung đã đóng góp lớn cho ngành du lịch Sa Pa, làm thay đổi chất lượng, dịch vụ du lịch, đồng thời tạo nhiều việc làm và phát triển các dịch vụ phụ trợ cho người dân địa phương. Trong vòng 3 năm từ sau khi Tuyến cáp treo Fansipan ra đời, tổng thu từ du lịch của huyện Sa Pa tăng gần 3 lần, đạt mức 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. Và để có sự so sánh rõ rệt nhất cho Quý Khách hàng, thì con số đó gấp 10 lần năm 2010.

Khi khánh thành, cáp treo Fansipan được Guinness World Records ghi nhận hai kỷ lục thế giới, đó là “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới” và “Cáp treo ba dây dài nhất thế giới”.

Điều tuyệt vời hơn cả là sau khi cáp treo Fansipan được hoàn thành xuất sắc, các chuyên gia quốc tế đã thể hiện sự tôn trọng với đội ngũ Việt Nam trong những dự án sau này, thay vì tâm lý áp đặt như trước đó. Không chỉ là sự tôn trọng dành cho kỹ thuật xây dựng của Việt Nam, hiệu ứng dây chuyền từ cáp treo đã nâng thương hiệu Sa Pa lên tầm cao mới. Ngày hôm nay, chinh phục nóc nhà Đông Dương đã trở thành ước mơ có thật của hàng triệu du khách. Sun World Fansipan Lengend trở thành đỉnh thiêng, nơi con người tìm thấy những cảm xúc lạ kỳ khi chạm đến chân mây.

Còn riêng với các anh Trịnh Văn Hà, Nguyễn Khắc Hằng,… cũng như hàng trăm kỹ sư, công nhân khác, dù đã rời xa công trình thế kỷ để tỏa đi muôn nẻo, thì trong họ, vẫn nguyên vẹn một phần “hồn cáp”. Những năm tháng khó khăn và khốc liệt ngày nào đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành sợi dây kết nối con người, số phận từ khắp nơi.

Câu chuyện về sự thành công của cáp treo Sun World Fansipan Lengend đã khép lại chuyên mục CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG KIỆT TÁC SỐ 02. Mong rằng Quý Khách hàng đã có trải nghiệm tuyệt vời với những góc nhìn chân thực nhất về công cuộc chinh phục nóc nhà Đông Dương.

Đó không chỉ là niềm tự hào của những người trẻ Sun Group năm nào, mà còn là mốc son đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của một Sa Pa ngày càng hấp dẫn, bài bản và chuyên nghiệp trong cách làm du lịch. Cảm ơn và hẹn gặp lại Quý Khách hàng tại CHUYỆN KỂ CỦA NHỮNG KIỆT TÁC SỐ 03 với một hành trình mới, câu chuyện mới, trải nghiệm mới!

Đọc thêm:

>> Khách sạn Capella Hanoi, chuyện kể của những kiệt tác số 01

>> “Ba Na Hills – Xứ sở diệu kỳ”, chuyện kể của những kiệt tác số 03

5/5 - (1 bình chọn)
   

Cùng chuyên mục

   
096.775.8686