Tiền của người dân sẽ đi đâu khi ngân hàng phá sản?

Từ tháng 8/2017, người gửi tiền ở một tổ chức tín dụng bị phá sản sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Gửi tiết kiệm đang là một trong những hình thức đầu tư tài chính hiện nay
Gửi tiết kiệm đang là một trong những hình thức đầu tư tài chính hiện nay

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

Như vậy, mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành.

Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005.

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Vậy tiền gửi của dân sẽ ra sao?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Theo Nghị định 68/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, nghị định này giữ nguyên quy định về chi phí bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP trước đó.

730-1
Dù cho gửi 1 tỷ vào ngân hàng, khi thua lỗ người dân cũng chỉ nhận được tối đa 75 triệu đồng

Cụ thể, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhận hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Điều này có nghĩa là cho dù người gửi tiền có gửi 1 tỷ đồng tại một ngân hàng thì khi ngân hàng này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chỉ chi trả cho người gửi tiền trên tối đa là 75 triệu đồng.

Con số 75 triệu đồng này quá ít, vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, rõ ràng người dân gửi tiền sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Tất nhiên người gửi tiền không chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng khi phá sản.

Theo trình tự ưu tiên, ngân hàng sẽ tiến hành chi trả cho chủ nợ là cơ quan thuế đầu tiên, tiếp đến chính là người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quá trình tiến hành phá sản ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh lý tài sản, có thể mất một khoảng thời gian dài, gây ra tâm lý tiêu cực cho người gửi tiền. Với vai trò điều phối, Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh thanh toán trước cho người gửi tiền nếu như các thỏa thuận thanh lý tài sản với các đối tượng mua đã hoàn tất.

Vì vậy, khi quyết định đem tiền cuả mình đi đầu tư hay gửi tiết kiệm, các nhà đầu tư nên lựa chọn và tính toán kĩ lưỡng nhất để tránh thiệt hại tài chính.

5/5 - (1 bình chọn)
   

Cùng chuyên mục

   

Leave a comment

Required fields are marked

096.775.8686